Vì Sự Vinh Quang của Thiên Chúa

3,542 views

Vì Sự Vinh Quang của Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Nếp sống mỗi ngày của con dân Chúa là để tôn vinh Thiên Chúa bằng cách chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa gọi chúng ta là sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:14). Chúng ta chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa trong thế gian qua sự suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ, và hành động của chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. Sự suy nghĩ bao gồm ước muốn, sở thích, và nhận định của chúng ta về mọi sự, mọi người. Lời nói bao gồm những âm thanh ra từ môi miệng chúng ta và những gì chúng ta viết thành chữ. Cử chỉ là dáng điệu tay chân của chúng ta. Thái độ là nét mặt thể hiện cảm xúc của chúng ta. Hành động là tất cả những việc gì chúng ta làm ra.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTYzMTk1MTlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201709-vi-su-vinh-quang-cua-thien-chua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ac3453glh6ovoal/201709_ViSuVinhQuangCuaThienChua.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Mệnh lệnh của Chúa về nếp sống của chúng ta rất là rõ ràng:

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Nhóm chữ “làm sự gì khác” bao gồm tất cả ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ, và hành động của chúng ta. Để biết rõ thế nào là “hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm,” thì trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về sự vinh quang của Thiên Chúa.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18 ghi lại lời của Môi-se xin với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ông xin Ngài cho ông được nhìn thấy sự vinh quang của Ngài. Ngài đáp lời xin của ông trong câu 19:

Ta sẽ làm cho mọi sự thiện của Ta đi ngang qua trước ngươi. Ta sẽ hô danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trước mặt ngươi, sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn, và sẽ thương xót ai Ta muốn thương xót.”

Sáng sớm hôm sau, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngự xuống trong đám mây, đứng với Môi-se trên đỉnh núi Si-na-i, và hô danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài đi ngang qua trước mặt Môi-se và hô rằng:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Thiên Chúa từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật, ban ơn đến ngàn đời, tha thứ sự gian ác, sự phản nghịch, và tội lỗi; nhưng chẳng bỏ qua {tội lỗi}; và phạt tội của tổ phụ trên con và cháu đến đời thứ ba và đời thứ tư.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7).

Như vậy, sự vinh quang của Thiên Chúa là mọi sự thiện của Ngài. Khi Ngài đi ngang qua Môi-se thì Ngài che mặt ông lại, Môi-se chỉ nghe tiếng hô của Ngài và nhìn thấy phía sau của Ngài. Nhìn thấy phía sau của Ngài có nghĩa là nhìn thấy sự vinh quang của Ngài còn lưu lại, sau khi Ngài đã qua khỏi.

Thiên Chúa là thiện nên mọi sự thiện chính là bản tính của Ngài. Mọi sự thiện là bất cứ sự gì thuộc về: tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính.

Bản tính của Thiên Chúa chiếu ra sự sáng láng của sự đẹp đẽ, tốt lành, và cao trọng mà Thánh Kinh gọi là sự vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế sự vinh quang của Thiên Chúa chính là sự chiếu sáng mọi sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa.

Tiếng hô của Thiên Chúa khi Ngài đi ngang qua trước mặt Môi-se giúp cho chúng ta hiểu về ba phương diện trong sự vinh quang của Thiên Chúa:

  • Về phương diện yêu thương thì Thiên Chúa là: từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật. Từ ái là bậc trên yêu thương và cư xử hiền lành với bậc dưới. Thương xót là đồng cảm những sự đau đớn, bất hạnh. Chậm giận là cho người có lỗi, có tội thời gian để ăn năn, sửa đổi. Đầy dẫy ân huệ là dư dật trong sự ban cho và cứu giúp. Chân thật là tình yêu của Thiên Chúa không có sự giả dối. Chính vì thế mà Thiên Chúa ban ơn đến ngàn đời cho những ai vâng phục Ngài; tha thứ sự gian ác, sự phản nghịch, và tội lỗi cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Sự gian ác là bất cứ điều gì không đúng với bản tính thiện của Thiên Chúa. Sự phản nghịch là sự chống lại thẩm quyền, các điều răn, và luật pháp của Thiên Chúa, kể cả những thẩm quyền Thiên Chúa đặt để trên chúng ta qua người khác. Tội lỗi là tất cả những gì nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa như đã được mạc khải trong tâm thần của chúng ta, được ghi lại trong Thánh Kinh, và được rao giảng bởi các tôi tớ chân thật của Ngài.

  • Về phương diện thánh khiết thì Thiên Chúa không thể bỏ qua tội lỗi; vì bỏ qua tội lỗi có nghĩa là chấp nhận tội lỗi. Ngài tha thứ cho tội nhân nếu tội nhân thật lòng ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, nhưng Ngài không chấp nhận tội lỗi. Ngài tiêu diệt tội lỗi bằng hai cách: (1) Ngài cất đi mạng sống vô tội của Đức Chúa Jesus Christ, khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thay cho loài người tội lỗi, để ban sự tha tội cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. (2) Ngài hình phạt những ai không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, khiến cho họ đời đời xa cách mặt Ngài, xa cách sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

  • Về phương diện công chính thì Thiên Chúa hình phạt những ai phạm tội một cách nghiêm khắc, tương xứng với sự phạm tội của họ. Chính vì thế mà Ngài phạt tội của tổ phụ trên con và cháu đến đời thứ ba và đời thứ tư. Có nghĩa là, hình phạt của người phạm tội có thể ảnh hưởng đến con cháu ba hay bốn đời. Trong suốt các đời con cháu ấy, Thiên Chúa sẽ không cất đi sự ảnh hưởng của tội lỗi trong thân thể xác thịt, vì đó là hậu quả đương nhiên khi một người phạm tội. Đó là sự công chính của Thiên Chúa. Thí dụ: cha mẹ là đời thứ nhất, dùng ma túy, gian dâm, sinh ra con là đời thứ nhì, đứa con ấy cũng ghiền ma túy và bị truyền nhiễm bệnh về tính dục. Đứa con ấy lại sinh ra con là đời thứ ba, đứa cháu ấy cũng bị ghiền ma túy và lây nhiễm bệnh về tính dục… Kể cả khi đứa con và đứa cháu ấy tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, linh hồn của họ được cứu nhưng thể xác vẫn có thể bị hủy hoại bởi sự phạm tội của tổ phụ.

Tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa là một, không thể tách rời, như ba cạnh của một hình tam giác. Thiếu một trong ba thì không còn là sự vinh quang của Thiên Chúa. Sự vinh quang của Thiên Chúa không chỉ chiếu ra sự uy nghi, rực rỡ bản tính thiện của Ngài mà còn là nguồn sáng tạo muôn vật và tác động trên muôn vật. Nghĩa là: tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa sáng tạo muôn vật, ban sự sống cho muôn vật, bảo tồn muôn vật, và chiếu sáng qua muôn vật. Nhìn vào muôn vật người ta thấy được những sự tốt lành, xinh đẹp, và quyền năng của Thiên Chúa.

Khi chúng ta ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao, khi chúng ta đứng trước cảnh hùng vĩ của núi rừng, của thác ngàn tuôn đổ, của dòng sông cuộn chảy, của sóng biển vỗ bờ, khi chúng ta ngẩn người trước cảnh bình minh hay hoàng hôn, hoặc cảnh đêm trăng êm đềm trên mặt hồ thinh lặng hay trên thảo nguyên mênh mông, khi chúng ta ngắm nhìn những bông hoa khoe màu sắc tươi thắm… là chúng ta đang ngắm nhìn sự vinh quang của Thiên Chúa thể hiện qua muôn loài.

Thi Thiên 19:1-3 nói đến sự vinh quang của Thiên Chúa được công bố bởi các tầng trời:

Các tầng trời thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài. Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức được bày tỏ. Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ nào mà lời lẽ của chúng không được nghe đến.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch Thi Thiên 19:1-3 không sát với nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh:

Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày này giảng cho ngày kia, Đêm này tỏ sự tri thức cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.”

Không phải là ngày này giảng cho ngày nọ và đêm này tỏ sự tri thức cho đêm nọ, mà là ngày này qua ngày khác lời lẽ của các tầng trời tuôn tràn không dứt để thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa, đêm này qua đêm khác sự tri thức về công việc sáng tạo của Thiên Chúa được các tầng trời bày tỏ không ngừng nghỉ.

Không phải chẳng có tiếng, chẳng có lời, cũng không ai nghe tiếng của các tầng trời, mà là lời lẽ tuôn tràn thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa và sự tri thức về công việc sáng tạo của Thiên Chúa do các tầng trời rao truyền, bày tỏ ngày đêm, được nhận thức bởi mọi dân tộc dù là họ nói tiếng nói nào, dùng loại ngôn ngữ nào. Sự rao truyền của các tầng trời được mỗi người nhận thức bằng chính ngôn ngữ nào mà họ thông biết.

Thiên Chúa đã ban sự vinh quang của Ngài cho loài người, bằng cách dựng nên loài người giống như Ngài và bao phủ cho loài người: tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài.

Ngài làm loài người kém Thiên Chúa một chút, bao phủ người với sự vinh quang lộng lẫy.” (Thi Thiên 8:5).

Loài người là một linh hồn có thân thể thiêng liêng là tâm thần và thân thể vật chất là xác thịt. Sự vinh quang của Thiên Chúa ban cho loài người bao phủ cả thân thể thiêng liêng lẫn thân thể xác thịt. Sự vinh quang của thân thể thiêng liêng chỉ có thể nhìn thấy bởi con mắt thiêng liêng của tâm thần mà Thánh Kinh gọi là con mắt ở trong đầu (Truyền Đạo 12:4). Sự vinh quang của thân thể xác thịt thì có thể nhìn thấy bởi con mắt của xác thịt. Sự vinh quang Thiên Chúa ban cho loài người lộng lẫy đến nỗi loài người không cần quần áo che thân. Chỉ sau khi loài người phạm tội, sự vinh quang ấy bị mất đi (Rô-ma 3:23) mà thân thể xác thịt của loài người mới trở nên lõa lồ, cần phải được che đậy.

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại ra khỏi hình phạt của tội lỗi, thì sự vinh quang thuộc linh của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài đã được phục hồi, còn sự vinh quang thuộc thể thì sẽ được phục hồi trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ là một cũng như chúng ta là một.” (Giăng 17:22).

Khi nào Đấng Christ, {là} sự sống của chúng ta, sẽ hiện ra, thì các anh chị em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh quang.” (Cô-lô-se 3:4).

Chúng ta cần phân biệt sự vinh quang của Đấng Christ khi Ngài ở trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời khác với sự vinh quang của Đấng Christ khi Ngài ở trong thân vị loài người.

Trong thân vị Thiên Chúa, sự vinh quang của Ngài là tự có, bình đẳng với Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh, vì ba thân vị là MỘT, đồng tự có và có mãi mãi, bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện.

Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus. Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:5-8).

Cha ôi! Bây giờ xin Ngài tôn vinh con với chính Ngài, bằng sự vinh quang con có với Ngài trước khi thế gian thực hữu.” (Giăng 17:5).

Trong thân vị loài người, sự vinh quang của Ngài được ban cho bởi Đức Chúa Trời (Giăng 17:22).

Sự vinh quang tự có giống như mặt trời tự phát ra ánh sáng. Sự vinh quang được ban cho giống như mặt trăng nhận được ánh sáng từ mặt trời. Cả hai đều chiếu sáng nhưng sự sáng của mặt trời khác với sự sáng của mặt trăng, và sự sáng của mặt trăng phải lệ thuộc vào sự sáng của mặt trời.

Vậy, Đấng Christ vừa có sự vinh quang tự có trong thân vị Thiên Chúa, vừa có vinh quang được Đức Chúa Trời ban cho trong thân vị loài người, vì Ngài là Thiên Chúa thành người, vừa là Thiên Chúa vừa là người. Trong thân vị Thiên Chúa, tất cả những gì thuộc về Ngài là đồng tự có với Đức Cha và Đức Thánh Linh. Trong thân vị loài người, tất cả những gì thuộc về Ngài đều được ban cho bởi Đức Chúa Trời, được tác động bởi Đức Thánh Linh, và được quản trị bởi chính Ngài.

Sự vinh quang trong thân vị loài người của Đức Chúa Jesus Christ do Đức Chúa Trời ban cho là sự vinh quang giống như sự vinh quang đã được ban cho A-đam và Ê-va trong buổi đầu sáng thế. Đức Chúa Jesus Christ đã ban sự vinh quang ấy cho tất cả những ai thuộc về Ngài, như Ngài đã thưa với Đức Chúa Trời trong Giăng 17:22.

Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là một vì cả ba thân vị cùng là một Thiên Chúa, cùng chung sự vinh quang tự có với nhau, cùng là yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Toàn thể các chi thể trong Hội Thánh là một vì cùng có chung sự vinh quang do Đức Chúa Trời ban cho Đức Chúa Jesus Christ, mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho mỗi người, cùng ở trong sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, và cùng chiếu ra sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài.

Sự ban cho là của Đức Chúa Trời, sự lựa chọn là của chúng ta. Chúng ta toàn quyền tự do chọn sống trong sự vinh quang của Thiên Chúa, vì sự vinh quang của Thiên Chúa, chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa; hoặc là chọn sống trong sự vinh quang của loài người, sống vì sự vinh quang của loài người, và chiếu ra sự vinh quang của loài người.

Nếu là con dân chân thật của Chúa, thì mỗi một ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động của chúng ta đều phải vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta không suy nghĩ, nói, có dáng điệu, có nét mặt, hay làm ra bất cứ điều gì mà không cùng một lúc tôn cao sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, kể cả những việc cần thiết thường ngày như việc ăn và uống.

Thế nào là ăn và uống vì sự vinh quang của Thiên Chúa?

Chúng ta vui mừng, cảm tạ Chúa về những thức ăn, thức uống Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta thật sự vui thỏa trong sự ăn uống và biết ơn Chúa, đó là tình yêu. Chúng ta ăn uống điều độ để nuôi dưỡng thân thể xác thịt của chúng ta, không ăn uống quá độ hay bỏ qua việc ăn uống mà làm hại thân thể. Chúng ta ăn uống cách chính đáng, không ăn vụng, uống vụng, không ăn uống của ăn cắp hay những thức đã cúng cho thần tượng, đó là sự thánh khiết. Chúng ta ăn uống cách từ tốn, lịch sự, và nhường nhịn những người cùng ăn với mình. Khi cần thì chia xẻ với người khác. Chúng ta cám ơn những người phục vụ mình trong sự ăn uống, đó là sự công chính.

Một trong những điều con dân Chúa thường vấp phạm là nói và viết như người thế gian. Chỉ cần đi dạo một vòng qua các trang facebook của những người xưng nhận mình là con dân của Chúa thì chúng ta sẽ thấy ngay là HẦU HẾT các bài đăng, bài góp ý của họ không vì sự vinh quang của Thiên Chúa, mà chỉ vì CÁI TÔI của họ, kể cả những bài trích dẫn các câu Thánh Kinh. HẦU HẾT họ rập khuôn theo cách nói, cách viết của người thế gian, thậm chí dùng cách viết ngọng nghịu, lập dị cho giống người thế gian, mà không biết rằng, họ đã vô tình làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ mà Thiên Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam.

Con dân Chúa làm bất cứ sự gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa, cho nên mỗi bài đăng, mỗi lời góp ý của chúng ta trên facebook cũng chính là một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Hãy tự hỏi, chúng ta có dám dâng lên Thiên Chúa những lời lẽ trên trang facebook của mình hay không? Nếu chúng ta không dám dâng những lời lẽ như vậy lên Thiên Chúa thì sao chúng ta dám nói, dám viết chúng ra trên trang facebook của mình khi chúng ta nhận mình là con dân của Thiên Chúa, là Đấng Christ đang sống trong chúng ta, và chúng ta là chi thể của thân Ngài? Lời của Chúa đã dạy cách rõ ràng:

Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép đời đời vô cùng, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:11).

Ngay cả lời nam nữ yêu nhau, tỏ tình với nhau cũng phải vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà nói. Ngay cả vợ chồng quan hệ tính dục với nhau cũng phải vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm. Chính vì thế mà Lời Chúa dạy:

Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, nơi phòng ngủ chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt những đĩ đực và những kẻ ngoại tình.” (Hê-bơ-rơ 13:4).

Lời tỏ tình, quan hệ tính dục của vợ chồng, cũng như bất cứ việc gì khác, đều phải được thực hiện trong sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế mà những lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, lời dữ, lời ác, lời nghi ngờ, lời nói dối không thể được nói ra hay viết ra bởi con dân Chúa.

Sự vinh quang của Thiên Chúa không chỉ bao phủ chúng ta, để nâng cao chúng ta trên muôn loài tạo dựng khác, chiếu sáng qua chúng ta để tôn vinh Thiên Chúa và mang phước của Thiên Chúa đến cho thế gian, mà còn là sự ấn chứng chúng ta thật sự thuộc về Chúa, là bằng chứng cho thấy chúng ta đã thật sự được dựng nên mới, giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

Thật lạ lùng khi có nhiều người không mặc lấy sự vinh quang Thiên Chúa đã ban cho họ mà chọn mặc sự vinh quang tạm bợ của con người xác thịt: bằng cấp, địa vị, chức vụ, quyền thế, giai cấp, sản nghiệp, danh tiếng, tài năng, sắc đẹp… là những thứ mà Sứ Đồ Phao-lô xem như phân, như rác! Những người chọn không mặc sự vinh quang Chúa đã ban cho sẽ bị ném ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 22:13). Thế nào là mặc sự vinh quang Chúa đã ban cho? Là làm bất cứ sự gì cũng vì tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa.

Chúng tôi xin gửi đến Hội Thánh hai lời phán sau đây của Thiên Chúa, để đúc kết bài học này:

Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ấy là danh Ta. Ta chẳng nhường sự vinh quang của Ta cho một ai khác, cũng không nhường sự tôn vinh của Ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8).

Chúng ta hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà sống, đừng vì sự vinh quang của chính mình hay bất cứ ai khác.

Hãy vùng dậy! Hãy chiếu sáng! Vì sự sáng của ngươi đã đến, và sự vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chiếu ra trên ngươi.” (Ê-sai 60:1).

Chúng ta hãy vui sống trong sự vinh quang của Thiên Chúa và chiếu sáng sự vinh quang của Ngài cho toàn thế gian.

A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/07/2017

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca “Ân Tình Cha”: http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-an-tinh-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.